Tác giả: con chim non

The two most important days in your life are, the day you are born and the day you find out why. -Mark Twain-

mất ngủ trên xe

Hai năm vừa rồi, ngoài thời gian giãn cách toàn xã hội, và trước khi bay nội địa thoải mái, cứ khi nào rảnh mình đều lên Đà Lạt. Cả 2 Tết vừa rồi mình cũng ở trên đó.

Công việc linh động đến mức ngay cả bây giờ khi mọi thứ tưởng như bình thường rồi mà mình cũng chỉ cần lên văn phòng 1-2 lần một tuần. Còn trước đó khi mà loài người né gặp nhau chút nào hay chút ấy thì chỉ cần có laptop, mình đi đâu cả tháng cũng được.

Và nhất là đã có lúc mình không cảm thấy Sài Gòn là nhà nữa thì tất nhiên mình không thể cưỡng lại việc được ôm ấp vỗ về bởi một nơi nhiều cây cối, không khí trong lành hơn. Chưa kể là hàng ngày còn có hai bạn nhỏ dễ thương ríu rít không ngừng. Có lần đang ở Sài Gòn, bạn nhỏ lớn 6 tuổi gọi video call hỏi bâng quơ mà mình xúc động mãi: “cô P đang làm gì đó, cô đang đọc sách một mình à, cô có chán không? Con chó Ken cũng nhớ cô này…” Rồi mỗi lần học xong một bản nhạc nào đó bạn sẽ đòi người lớn gọi cho mình để đàn cho mình nghe bằng được. Bạn tình cảm vậy, thế mà lúc ở bên bạn thì nỗi buồn kéo mình đi đâu đâu, nhiều lần kiếm cớ từ chối chơi mèo nổ, chơi uno với bạn.

Lần này lên Đà Lạt mấy ngày cuối tuần để đi dự đám cưới một người đồng nghiệp cũ, mình dù đang “nghỉ hè” nhưng cũng tranh thủ xong việc về luôn, không nấn ná ở cả tháng như các lần trước. Phần vì có Mây chờ, nãy tạm biệt chưa gì thấy thương quá gương mặt ngơ ngác khi thấy mình lại quẩy ba lô đi đâu mất tăm. Bình thường mình đi làm về thôi nó đã dỗi hờn thấy tội nghiệp lắm rồi.

(Này là buồn ngủ nhưng bùn thiu cũng tương tự như vậy, thật không nỡ đi đâu quá lâu)

Nhưng phần nhiều là vì dự án cá nhân dang dở từ tháng 3/ 2020 mà mình quyết tâm đi đến cùng một lần đã có những tiến triển mới và một tháng tới cần rất nhiều sự tập trung.

Đà Lạt để an ủi thì được chứ ở đó rồi sợ bản thân thả lỏng quá lại không làm được gì.

(Không ngờ đây là lần cuối mình với bạn nhỏ lớn rong chơi ở đây, thảm cỏ này đã biến mất để mở đường quanh hồ Xuân Hương)

Bình thường vẫn chớp mắt được khi đi chuyến xe đêm mà sao hôm nay nằm mãi vẫn loay hoay. Vậy mà cứ tưởng hồi chiều chạy 7km thì tối mệt sẽ dễ ngủ hơn.

Hạt mầm lấp lánh

Gần 2 năm rồi mình không đăng gì ở đây và cũng không viết được gì ở đâu.

Dù biết rằng viết ra được thì cũng sẽ chữa lành được phần nào. Cũng như việc mình chấp nhận mọi việc xảy ra không nhất thiết phải có một ý nghĩa, bài học gì đó, mình chấp nhận nước mắt rơi khi nó cần rơi. Mình chấp nhận sẽ có những ngày không hiệu quả gì cả. Mình sẽ không khó khăn với bản thân vì đã để bản thân khóc quá nhiều trong 2 năm qua, và càng không ép bản thân phải thế này thế kia.

Hồi đầu năm, nhớ lúc đọc “Cây Cam Ngọt Của Tôi” đã khóc nấc thành tiếng. Và sau đó mình đã thấy rất nhẹ nhõm sau nhiều tháng dằn vặt với quá nhiều câu hỏi. Dù những câu hỏi vẫn ở đó nhưng đó là khoảnh khắc mình đã thấy được an ủi rất nhiều. Một hạt mầm tưởng là đã chết yểu trong vùng đất héo úa ở bên trong mình vẫn đang cố vươn lên. Rồi những ngày sau khi sự chán chường ập đến mình sẽ rón rén nghĩ về hạt mầm ấy để neo bản thân lại với thường nhật buồn tẻ.

Chậm rãi mình tìm cách nhân giống những hạt mầm ấy. Khi thì là sách, khi thì là những muc tiêu nhỏ nhỏ. Kiểu như hôm nay quay lại chạy, chậm cũng được, từng bước một rồi cũng tự tin cho một giải chạy bán marathon, và thậm chí là đủ dũng cảm để dồn sức làm nốt một dự án cá nhân dang dở từ tháng 3 năm 2020.

Để rồi tháng 4 năm nay bản thân mình vừa gắng sức tập luyện một giải chạy tử tế, dồn sức cho dự án dang dở kia, trong khi di chuyển liên tục, đâu đó bay 10 chuyến cho các lần công tác. Trong vali lúc nào có một đôi giày chạy. Mình cũng không dám ngủ trên máy bay, luôn phải tranh thủ đọc các tài liệu khó nhằn mà bình thường chắc mình ngáp lên ngáp xuống chứ đừng nói là đọc trên máy bay.

Chắc gắng sức hơi nhiều nên cuối cùng hệ miễn dịch của mình cũng chào thua mấy con Covid-19, lại đúng ngay ngày mình xỏ giày chạy 21km ở Huế. Chạy về mệt quá nhưng vẫn cảm thấy may mắn là các chuyến công tác thì cũng đi xong rồi, dự án riêng cũng đã qua những bước khó nhất, chạy thì thành tích không đạt mục tiêu nhưng về được an toàn là mừng rồi.

Cuối tháng 5 mình cuối cùng đã nhận nuôi một bé mèo trước bao sự ngỡ ngàng của mọi người. Ai cũng hỏi rồi lúc đi công tác ai chăm? Lúc đó vì tự tin có thể nhờ bạn bè hay thậm chí là đưa em đi khách sạn thú cưng, nhưng bây giờ thì mình hơi lo vì Mây (tên bé mèo) tình cảm quấn quít quá nên thật lòng lâu lâu đi ra đường cả ngày cũng sốt ruột chạy về với em. Hôm trước mình đi đạp xe về làng bè An Phước, đạp hơn 80km từ 5:30 sáng, đến chiều đoạn qua cầu Phú Mỹ mình nghĩ chắc dắt bộ quá vì xuống sức nhiều rồi nhưng nóng lòng gặp Mây nên vẫn ráng sức nhấn pê-đan. Sau nhiều năm chần chừ nhận nuôi chó mèo thật không ngờ việc có thêm một sinh vật sống chung lại an ủi như vậy. Mới đêm hôm trước thôi, Mây thấy mình buồn nên dù đang ngủ, em nhoài dậy dụi dụi tìm cách xoa dịu. Những vết thương cũ vẫn luôn như vậy thỉnh thoảng ập đến ngay những khi mình không ngờ đến nhưng có vẻ là tần xuất đã giãn ra rất nhiều rồi.

Mình nghĩ chắc sẽ chẳng bao giờ mình viết được tròn vành rõ chữ về những gì đã qua. Cũng chẳng cần phải có một ý nghĩa cao cả hay bài học gì cuộc sống tặng cho mình đâu vì thì “mọi chuyện đời qua là những cuộc ly tao” thôi mà.

Chỉ là mình muốn ghi lại những hạt mầm lấp lánh đã neo mình lại giữa những lúc khó khăn nhất ở trạm dừng chân cuộc đời này mà thôi.

Một tiếng gọi bất ngờ

Sáng ngủ dậy, kiểm tra tin nhắn thấy bạn học cấp 3 cũ nhắn tin: “lớp trưởng ơi, bố Lâm mất, lớp mình có đi viếng không thế”.

Nghe thì hơi tệ nhưng mình đã khựng lại vài phút để định thần Lâm là ai rồi khó nhọc kiểm tra trí nhớ không phải Lâm đã đi định cư ở nước ngoài rồi à? Chưa kể xem lại ngày tháng thì lần cuối cùng mình và người bạn báo tin nói chuyện là từ năm…2013. Tin nhắn bất ngờ ấy như một tiếng gọi thình lình gợi nên những suy nghĩ vốn không hiện hữu trong những quan tâm thường ngày bấy lâu:

1. Nghĩa tử là nghĩa tận, mình thực lòng rất chia buồn với Lâm nhưng lại loay hoay không biết giải thích cho bạn kia vì sao mình sẽ không làm gì cả. Đã từ lâu mình không đi họp lớp (do bạn bí thư tổ chức), chứ đừng nói là đứng lên kêu gọi, tổ chức bất cứ sự kiện nào. Nếu có ai hỏi mà không thân thì mình sẽ trả lời qua loa đại khái rằng ừ thì do khoảng cách địa lý, mình sống ở Sài Gòn, còn các bạn thì đa số ở Hà Nội và Nam Định. Nhưng lý do chính vẫn là mình ở thời điểm bây giờ không hứng thú với những hội họp kỉ niệm vô bổ mà mọi người chuốc nhau uống cho say, càng không có hứng thú kết nối lại với những người rất rất khác hệ giá trị sống của bản thân. Ai thì cũng rất khác trong hành trình tập làm người lớn. Mình vẫn giữ liên lạc với vài ba người bạn và thậm chí là chủ động cập nhập những sự kiện quan trọng trong cuộc sống của họ. Nhưng kể cả thế, mình cũng cảm thấy có những khoảng cách rất lớn về cuộc sống và mối quan tâm hàng ngày. Vì năng lượng có hạn nên mình chỉ có thể tập trung vào những gì quan trọng nhất và những người mà dù có khác nhau nhưng mình vẫn mong được theo dõi họ.

Nhưng nhìn mẹ mình, bác mình vẫn háo hức, vui vẻ hàng năm đi họp lớp. Sau khi loay hoay diễn đạt bản thân để biện minh cho việc không-làm-gì thì mình vẫn nhắn bạn rằng biết đâu vài chục năm nữa, không gì dư giả bằng thời gian thì sẽ hội ngộ với một tâm thế rất khác?

2. Không nhớ lần cuối cùng có ai gọi mình là lớp trưởng là khi nào. Những người bạn mình nhắc bên trên thì không bao giờ gọi mình như thế bởi mình thì không giống hình tượng lớp trưởng thường được mong đợi cho lắm. Mình cũng không hiểu sao người bạn ấy lại chọn báo tin cho một người ở xa và không bao giờ lên tiếng trong cả gần chục năm từ khi tốt nghiệp đến giờ? Hay có lẽ dù ai thì cũng rất khác nhưng ấn tượng về một người thì luôn hiện diện. Có vẻ cũng hợp lý vì dù không phải một lớp trưởng lý tưởng nhưng hồi đó mình đã rất rất cố gắng cho những công việc tập thể chung. Những việc mà mãi sau này mới biết là những việc vốn quá sức với kiểu tính cách của bản thân.

3. Cũng từ rất lâu, mình luôn xem nhẹ những ngày có tính chất kỉ niệm và riêng tư: sinh nhật, đám cưới, lễ tốt nghiệp, ngày phụ nữ Việt Nam…Những ngày mà trong phim The eternal sunshine of the spotless mind, nam chính có nói rằng chỉ các công ty bán thiệp thích thú (hay sửa lại cho hợp thời bây giờ là các công ty thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki…kích thích chủ nghĩa tiêu dùng). Mình hiếm khi để lại những lời chúc mừng, động viên, an ủi trên mạng vì mình cảm thấy nó “công nghiệp” quá. Nếu không tìm được từ ngữ nào đủ chân thành để diễn đạt thì mình sẽ im lặng và dõi theo. Rồi mọi thứ cũng trôi tuột đi và cuộc sống vẫn tiếp diễn. Mình không muốn đóng khung kỷ niệm, quá khứ bằng những cột mốc mà sẽ cố gắng sống ở thì hiện tại tiếp diễn vì cuộc sống với mình như một dòng chảy, như một nắm cát mà càng cố gắng níu giữ, càng trôi đi. Ironic ở chỗ là viết những dòng này khi 2 ngày nữa mình tròn 2x tuổi. Nghe có vẻ giống như một tuyên ngôn gì đó nhưng thực ra chỉ là một mong muốn mạnh mẽ là sẽ cố gắng viết nhiều hơn.

Viết để xem câu chữ sẽ cuốn mình xa đến đâu?

Ghi chép nhanh về chuyến đi thăm hệ thống hang động Tú Làn

Cuối cùng thì mình cũng đã đi được tour khám phá hang động của Oxalis ở Phong Nha, Quảng Bình – nơi mà mình luôn muốn ghé thăm nhưng rất nhiều lần trì hoãn. Ghi lại nhanh những suy nghĩ/ quan sát trong chuyến đi trước khi mọi thứ lại lắng xuống và phai nhạt đi.

  1. 70% – 80% khách của Oxalis là khách nước ngoài

Oxalis là đơn vị đang được tỉnh Quảng Bình trao giấy phép để khai thác tour Sơn Đòong duy nhất và nhiều hang động khác trong khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng hiện này. Trước đây 70-80% khách hàng của Oxalis là khách nước ngoài. Một phần hình thức du lịch mạo hiểm bền vững này không hề rẻ, cùng với giá tiền ấy nhiều người sẽ chọn du lịch nghỉ dưỡng resort hoặc dư sức đi du lịch mấy nước trong khu vực.

Oxalis có lẽ sẽ là một trong những công ty bị ảnh hưởng nhiều nhất vì dịch bệnh nhưng nhờ có những chính sách kích cầu của tỉnh, giá tất cả các tour được giảm 20% trong năm 2020. Ngồi nghĩ lẩn thẩn, đúng là trong cái rủi có cái may, nhờ vậy mà nhiều người Việt hơn nữa sẽ có động lực trải nghiệm nhiều hơn, vì thực sự cảnh nước mình đẹp như vậy mà sao mà toàn khách nước ngoài biết đến.

2. Du lịch bền vững? 

Sơn Đoòng thì không dành cho tất cả mọi người, hồi xưa nhóm mình cũng hay nói ước gì Sơn Đoòng không có nhiều cái “nhất” quá thì biết đâu hệ sinh thái trong hang đã được yên ổn. Nhưng nếu không có điều kiện đi Sơn Đoòng thì hệ thống hang động trong khu vực cũng rất rất tuyệt vời. Đi để hiểu vì sao Sơn Đoòng chỉ phù hợp với hình thức khai thác du lịch bền vững như hiện giờ. Vừa mang lại sinh kế ổn định cho người dân địa phương chứ không phải làm giàu cho nhóm lợi ích mà ai cũng biết là ai.

3. Phong Nha đang thay đổi từng ngày

“Nếu chị đi Phong Nha cách đây 10 năm sẽ không nhận ra Phong Nha bây giờ đâu” – anh tài xế taxi chở tụi mình từ sân bay Đồng Hới về Phong Nha giới thiệu. Anh kể thanh niên trai tráng ở Quảng Bình hồi xưa chỉ biết đi xuất khẩu lao động, còn những người già hơn thì đi nhặt gỗ, đốn củi trái phép. Còn bây giờ du lịch đang thay đổi bộ mặt Phong Nha từng ngày. Nhà cửa, homestay, hàng quán, và rất nhiều loại hình kinh doanh dựa vào du lịch mở ra nhiều cơ hội mới. Chỉ tính riêng Oxalis đã mang lại công việc ổn định cho 350 porters và đợt dịch vừa rồi dù du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng không ai bị mất việc và vẫn được hỗ trợ một khoản hỗ trợ cầm cự.

4. Những điều nhỏ nhặt nhất

Dù tour của Oxalis thì không hề rẻ nhưng nhóm mình đi về ai cũng thấy xứng đáng đến từng đồng xu. Những điều nhỏ nhặt nhất đều được quan tâm, chú ý như một cọng dây thun nhỏ xíu của ai đó làm rơi trên mỏm đá đều được các anh porter tinh mắt nhặt nhạnh. Rồi thì lúc dọn rác các anh porter luôn chú ý phân loại rác phân hủy và không phân hủy được để xử lý. Nói là du lịch mạo hiểm nhưng đi với mọi người mới thấy an toàn như thế nào vì luôn có safety guide (trợ lý an toàn) quan sát và hỗ trợ mọi người ở mọi bước. Chỗ nào trơn trượt, khó leo chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra đã thấy một bàn tay chìa ra. Vậy nên mình nghĩ ai cũng có thể trải nghiệm những tour kiểu này hết, nếu là người thường xuyên vận động (gym hay yoga..) thì không vấn đề gì, còn không thì một vài tuần trước tour luyện leo cầu thang hay vận động là hoàn toàn oke. Đồ đạc thì các anh porter đã mang hết rồi, mình chỉ cần mang nước uống và nón bảo hộ nữa thôi. Đồ ăn thì bạn ăn chay, hay có dị ứng gì cũng sẽ được các anh chế biến lại hết. Các anh nấu ăn ngon quá nên nhiều người đi về không giảm được chút nào mà tăng cân nữa cơ mà.

Bạn đi cùng nói chính những điều nhỏ xíu như vậy mới làm nên một tổ chức vững mạnh.

5. Người Quảng Bình

Cả chuyến đi toàn gặp những người dễ thương nên mình xin mạnh dạn “vơ đũa cả nắm” người Quảng Bình toàn người dễ thương.

Từ anh taxi hay chuyện đón mình ở sân bay, nhân viên của Oxalis thì thôi rồi, tỉ mỉ, chu đáo từ tour guide hài hước lầy lội đệ nhất thiên hạ cho đến bạn safety guide ít nói, cười tủm tỉm cả buổi mà đêm xuống hiện nguyên hình một thanh niên ma sói quan sát cực kỳ nhạy bén. Đến bạn nữ chủ homestay thấy tụi mình hớt hải sáng sớm chạy ra sân bay, chuẩn bị 2 ổ bánh mì ngon quên lối về mà nhất quyết không chịu lấy tiền.

Sau tour, cả đoàn rủ nhau đi massage và tìm được 1 cơ sở kinh doanh của một em trai dễ thương có bằng…Tiến sỹ châm cứu y học cổ truyền. Em kể mới mở được 3 năm, lúc mới mở cũng bị dị nghị rằng làm massage ở đây thì chỉ có thể là kinh doanh không lành mạnh. Em quyết định đặt tên quán rồi menu hoàn toàn bằng tiếng anh, giá cả tương đương với dịch vụ ở thành phố, cũng là một bộ lọc để hạn chế “những vị khách không mời”. Em massage xong thì lấy xe máy chở lần lượt…7 người tụi mình đến những điểm khác nhau và luôn miệng xin lỗi cái lỗi không phải của em ấy là vì dịch bệnh nên tụi em không có đủ người phục vụ cả 7 anh chị một lúc.

 

IMG_6296

Concept chụp hình: “Chúng ta tiến hóa để cô đơn”

Thực ra đây cũng là 5 lý do chính mà mình highly recommend mọi người trải nghiệm những tour của Oxalis ở Phong Nha, Quảng Bình. Mình lựa chọn tour Tú Làn 3 ngày 2 đêm nhưng Oxalis vẫn còn rất nhiều tour khác vừa với sức của mỗi người. Mình thì chắc chắn sẽ trở lại vào một ngày gần nhất.

Đặc quyền “được” sai

[2019 viết tiếp. Không hiểu sao bài viết này dừng lại mãi ở năm 2018, đọc lại cũng không đến nỗi nào nên viết nốt đoạn kết chắp vá để thư mục Draft bớt đi một bản nháp vậy]

Một mùa Oscar ồn ào nữa đã trôi qua, mình luôn không bao giờ sa đà vào các cuộc tranh cãi mà chỉ tìm kiếm những tác phẩm mình có thể cảm được mà nhờ Oscar và sức nóng cộng hưởng của nó mình có thể biết đến và tiếp cận được.

Năm nay mình đã xem được 5/7 đề cử cho Best Picture và 2 phim nhỏ tranh giải phụ là The big sick và The Florida project. Mình đã tìm được bộ phim đồng điệu, nhất định là Lady Bird. Chiều nay thì thậm chí đi xem lại lần 2 ngoài rạp và lần này mình đặc biệt xem một mình để được trọn vẹn ích kỷ cảm nhận bộ phim mà không bị phân tâm. Xuất chiếu hôm nay cả rạp cũng chưa tới 10 người.

Bộ phim lấy bối cảnh là năm 2002 – 1 năm sau vụ khủng bố 11/9 ở một thành phố Sacramento xa lạ nhỏ bé ở nước Mỹ xoay quanh cuộc sống của một cô gái 17 tuổi thuộc một gia đình trung lưu tiêu biểu. Trong sự bất ngờ, mình đã tìm thấy rất nhiều những đồng cảm và sự liên quan thú vị với cô bạn này khi nghĩ về giai đoạn lúc mình bằng tuổi bạn ấy.

Hoặc cũng có thể mình đã luôn yêu những bộ phim được thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh giản dị, không lên gân, kịch tính và chọn kể những câu chuyện, những lát cắt rất đời thường. Nên dù là như Boyhood, Moon light hay The florida project dù kể về những vấn đề rất khác biệt với văn hóa Việt Nam nhưng cũng dễ dàng để mình cảm và yêu thích những bộ phim này. Nhưng Lady Bird còn đặc biệt hơn với mình vì mình nhìn thấy chính mình ở tuổi 17, 18 cũng nổi loạn, cũng vừa đồng thời bốc đồng vừa có một mối quan hệ “khắc khẩu” với những người thân yêu nhất.

03ladybird1-master768-v3_4mj7

Mình đã luôn ghen tị với rất nhiều người khi họ có thể giao tiếp dễ dàng và ngọt lịm với bố mẹ của mình. Mình luôn hay nói là mình với mẹ không hợp tính nhau, ở gần lâu ngày là kiểu gì cũng khắc khẩu. Mình cũng thậm chí đã có lần hét toáng lên tại sao mẹ không dịu dàng với mình hơn cũng như cách mà Lady Bird ném đồ, hét vào mặt mẹ cô là tại sao bà không thích cô đến như vậy, cô biết bà yêu cô nhưng tại sao bà lại luôn gắt gỏng, khắt khe và cô chỉ ước bà thích cô hơn mà thôi.

Lady Bird hay đứa trẻ năm 17 tuổi là mình làm sao hiểu được nỗi lòng của những người mẹ, vốn đã chưa bao giờ được đặt vào một hoàn cảnh dễ dàng hơn để có thể còn sức lực học cách nói chuyện với con cái hay mở rộng hơn nhận ra tầm quan trọng của việc giáo dục tại gia. Họ là những bà mẹ sẽ chấp nhận làm “double days and night shifts” quần quật cả ngày để chia sẻ gánh nặng kinh tế. Họ là những bà mẹ chấp nhận sống quá nửa đời người ở những căn nhà tuềnh toàng, hi sinh những phù phiếm cá nhân vì những đứa con có lớn mà chưa có khôn. Sự mệt mỏi kéo dài khiến họ chỉ còn lại sự gắt gỏng, mệt mỏi và hiếm khi có thể đủ thư giãn để kiên nhẫn với những bất ổn của cái tuổi dở dở ương ương.

Những người mẹ đâu biết rằng con gái của họ sẽ có những mặc cảm “ngớ ngẩn” về chính ngôi nhà tuềnh toàng của họ. Lady Bird trong phim miêu tả ngôi nhà của mình nằm ở phía tăm tối bên kia đường tàu “wrong side of the railroad” hay thậm chí nói dối nhà mình là một biệt thự xa lạ nào đó. Họ cũng đâu biết rằng các cô gái của họ ích kỷ và nông cạn đến mức lại hướng năng lượng và sự quan tâm của họ cho những kiểu tình yêu học trò và phần tệ nhất thì luôn là chỉ vì những phút yếu lòng lại lỡ va phải những ngốc xít nông cạn mà sau này nghĩ lại chỉ thấy ngớ ngẩn buồn cười 😛

Mình không bao giờ nghĩ là những phức tạp và vấn đề của mình lại có thể có một bộ phim gọi tên và miêu tả chân thực đến thế. Nước mắt ở cả 2 lần xem đều rơi ở những lúc không đoán trước được và lần này thì mình còn nhận ra là. Có thể những năm tháng được sổ lồng, được tự mình khám phá cuộc đời là những năm tháng ảnh hưởng và quyết đinh mình là ai hôm nay. Nhưng mình biết nền tảng để mình được tung cánh, nền tảng níu giữ mình ở những lúc cần thử thách nhất là gia đình. Mình không biết ở những năm 17 tuổi, mình đã là phiên bản tốt nhất của chính mình hay chưa nhưng mình biết chắc chắn bố mẹ mình đã làm tất cả có thể trong khả năng của họ để mình có thể thoải mái bước ra khỏi vòng tay của họ. Họ không có sự lựa chọn, và mình biết mình lúc ấy cũng không thể nào trở nên phiên bản mà họ mong muốn. Chỉ có thể bằng trải nghiệm được đổi lấy bằng năm tháng mình mới nhận ra mà thôi.

tumblr_ovtourBqMn1u5i578o3_500.gif

Có một chi tiết Lady Bird luôn khao khát được thoát khỏi Scramento càng nhanh càng tốt, sau này đi học đại học rồi, chán ngán cảnh chẳng ai biết quê hương của cô ở đâu, khi ai đó hỏi cô đến từ đâu, cô nàng cũng “nhận vơ” mình đến từ một thành phố lớn hàng xóm. Một kiểu mặc cảm về sự tự ti văn hóa của nơi mình thuộc về. Hay như khi nhiều người nghe giọng đoán mình đến từ Hà Nội à, nhiều lần mình cũng chẳng buồn sửa lại cho đúng rằng không mình đến từ một thành phố nhỏ xinh (mà thực ra cũng rất giàu truyền thống) nằm ngay kế bên Hà Nội thôi. Sau này mình mới nhận ra là người hỏi cũng không nhiều người thực sự lưu tâm câu trả lời vì rất nhanh thôi một địa danh xa lạ nào đó sẽ cuốn trôi đi theo dòng thác lũ thông tin mà chúng ta tiếp nhận mỗi ngày. Họ chỉ muốn một gợi ý thật nhanh để chẳng tốn nhiều công sức và “đánh giá” thật nhanh đối phương. Có rất nhiều những chi tiết trong phim như thế mà không cần ở Mỹ, mình vẫn cảm thấy rất gần gũi với bộ phim này.

1518613917_movie-quotes-lady-bird-2017-758x410

2019

Lady Bird sẽ là kiểu phim “come out of the age” mà mình tin sẽ rất nhiều cô gái đang hoặc đã đi qua lứa tuổi bướng bỉnh sẽ nhìn thấy bản thân mình trong đó. Mình nhớ có đọc ở bài phỏng vấn nào đó rằng bộ phim này cũng có rất nhiều kỉ niệm riêng tư mà cô đạo diễn gửi gắm. Một câu chuyện cá nhân nhưng ai cũng có thể nhìn thấy mình trong đó. À mình thích Lady Bird đến vậy là vì xem xong phim, mình đã dịu dàng và cảm thông hơn cho bản thân mình năm 17 tuổi rất nhiều. Mình đã không quá khắt khe với những nổi loạn và sai lầm quá khứ. Mình dịu dàng hơn với chính mình và với những cô cậu học sinh bây giờ (những người mà vì tính chất công việc mình cũng đang tiếp xúc hàng ngày). Ở tuổi này “người ta” chẳng có gì, không có tự do, không có tiền, không có kinh nghiệm sống thành ra cũng không sợ cái gì, người ta “ầng ậc” sống và có đặc quyền được sai! Làm người lớn như bây giờ có nhiều thứ nhưng cũng sợ nhiều thứ quá, mà sợ nhiều nhất chắc là sợ sai. Đến cả bài viết này cũng suýt nữa mãi là bản nháp cơ mà.

Lady Bird là tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn Greta Gerwick, và ngay lập tức được đề cử cho hạng mục Best Picture của mùa Oscar năm ấy. Cuối tháng này, “A Little Women” – tác phẩm điện ảnh thứ hai của nữ đạo diễn này cùng với em nữ chính đóng Lady Bird và cũng em trai Timothy Chalamet sẽ ra rạp. Mình đã không thể háo hức hơn.

Giai đoạn cuối năm, các phim hay đều đã, đang và sắp công chiếu để kịp cho các liên hoan phim đầu năm sau. Năm nay chưa gì mình đã xem được Dear Ex, The Boy Who Harnessrd The Wind, Ad Astra, The King, Knives Out, Marriage Story. Sẽ xem nốt Irish Man và tất nhiên là A little Women nữa. Hi vọng sẽ đủ gom đủ động lực để viết được gì đó cho mùa Oscar năm nay như mình đã từng viết được cho Spotlight, Moonlight và bây giờ là Lady bird. Những bộ phim trong hành trình hiểu hơn về chính bản thân và thế giới này

 

Shaping someone’s life

Bác Bill lại quay lại Sài Gòn để quay về trường mình làm cố vấn cho Admissions team trong 2 tháng. Bác hơn 70 tuổi, bước đi tập tễnh với chiếc ba-toong và mọi người hay gọi bác với cái tên thân mật Uncle Bill.

Năm ngoái lần đầu gặp bác, mình chỉ nhớ kỉ niệm lần team mình cùng bác đi công tác ra Hà Nội, suýt nữa trễ máy bay. Bác cứ áy náy mãi vì để mọi người phải chờ vì bác phải quay lại khách sạn check-out. Thế là trên suốt quãng đường đến Hà Nội, bác luôn tìm cách đền bù cho đám nhân viên chỉ cỡ tuổi cô con gái út gốc Việt được bác nhận nuôi hơn 20 năm về trước. Khi thì chai nước ở sân bay, lúc thì giành trả tiền taxi, bác cứ luôn miệng “phàn nàn” Fulbright cho bác nhiều tiền ăn quá, bác ăn không hết.

Lần này bác đến, nói chuyện với một người dành hơn 40 năm cuộc đời với giáo dục đã khiến mình thay đổi suy nghĩ về bản chất công việc mình đang làm. “As Admissions officer, you are not choosing the class, you are shaping the class”.

Đúng là quyết định của team mình sẽ thay đổi cuộc đời của nhiều con người, nhưng mình quên mất rằng cũng chính những người đó mới là người cuối cùng quyết định có được/bị thay đổi hay không! Bài báo đang go viral này cũng vậy. Tự bản thân Khang A Tủa đã là một câu chuyện nhiều sức nặng rồi, Fulbright và Tủa cùng lựa chọn nhau ở thời điểm này. Chọn trường thực sự giống việc chọn vợ, chọn chồng, dù cuộc “hôn nhân” này chỉ bốn năm!

36 giây!

36 giây là thời gian trung bình delay của hệ thống train station ở Nhật!

Hệ thống train station của Nhật là một trong những hệ thống hoạt động hiệu quả và chính xác nhất Thế giới. Tàu gần như không bao giờ trễ giờ nếu có trễ chỉ có thể là một lý do duy nhất: có người tự tử. Khi đó tàu sẽ trễ vài phút với lý do được thông báo đơn giản “human accident”.

Người Tokyo lạnh lùng đến mức, có lần mình vừa đi vừa dò bản đồ nên ngã dúi dụi ở cầu thang trong subway, hàng người cuồn cuộn ở đằng sau chỉ đơn giản là bước sang ngang và tiếp tục lướt nhanh về phía trước. Không ai buồn để ý hay liếc nhìn. Lúc ấy mình đã nghĩ việc mình ngã cũng như là một việc phiền toái cản trở việc di chuyển của dòng người bận rộn đó. Cũng như chuyện có ai đó tự tử chỉ là một accident đã ảnh hưởng đến lịch trình chính xác boong của người dân! Dù lịch trình ấy bị ảnh hưởng chỉ 36 giây!

Gần đây chứng kiến quá nhiều office politic, quá nhiều emotional people (cả những người mình yêu quý) và không thể nào bịt tai, bịt mắt hay stay away from them, mình lại nhớ về những “human accident” ở nước Nhật.

Về chuyện sự nhỏ bé của mỗi mắt xích là mỗi cá nhân trong bất cứ một môi trường hay xã hội nào. Sự tồn tại của chúng ta dù chẳng muốn so sánh nhưng chỉ tương đương với vài phút trễ lại của vài trăm con người xa lạ mà thôi. Mình nghĩ ai cũng có thể thay thế và không có gì là mãi mãi hay chắc chắn cả. Nghĩ vậy để shut up and get the shit done nhưng hình như có gì không ổn?

Ổn sao được khi mà tỉ lệ tội phạm ở Nhật thuộc nhóm thấp nhất thế giới mà tỉ lệ tự tử lại cao ngất ngưởng. Hoá ra ở xã hội đó, cực chẳng đã người ta chọn cách tự huỷ hoại bản thân mình hơn là làm hại người khác! Thật buồn và cũng thật giật mình!

half the year away*

Và mình đã chính thức đăng ký Standart Chartered Singapore Marathon ngày 30/11. Có gần 6 tháng để chuẩn bị.

Lúc đầu có hơi ngần ngại vì sợ rằng sẽ không đủ thời gian để tập luyện cho một giải chạy full marathon vào năm nay. Bởi mình mới đăng ký học một lớp dịch thuật học 3 buổi tối/1 tuần, học trong 3 tháng. Chưa kể tháng 9,10,11 lại là những tháng bận nhất của một Admissions Cycle – mùa tuyển sinh mới.

Lo sợ là vậy nhưng lúc nào cũng thế, phần phiêu lưu, mạo hiểm trong mình sẽ tìm cách len lỏi, thắng thế: ”Nếu không bây giờ thì khi nào? Những năm sau ai biết được mình sẽ lại bị cuốn đi theo những mục tiêu nào lớn lao hơn?” Giải marathon đầu tiên đã là từ năm 2017 rồi, và mình thì đã luôn muốn có một cơ hội khác để hoàn thành 42km một cách nghiêm túc và điềm đạm hơn.

Nghĩ lại thì những giải chạy gần đây, dù mình luôn không có được điều kiện lý tưởng nhưng xoay sở thế nào rồi cũng đã vượt qua được một cách không quá tệ. Giải chạy 21km ở Hà Nội tháng 10 năm ngoái, mình chạy từ 5:00am -8:00am sáng xong thì chỉ kịp tắm rửa thay quần áo là chạy vội đi làm event tuyển sinh ở trường Wellspring lúc 9:00am. Phòng conference diễn ra event chính thì ở trên lầu 4 khu nhà không có thang máy. Hôm ấy không hiểu là mình lấy đâu ra sức lực mà cứ chạy ngược xuôi 4 tầng lầu, hướng dẫn cho các bạn faculty rồi phụ huynh, học sinh. Bây giờ nghĩ lại có khi nhờ vậy mà được tính là có chạy recovery run cũng nên. Rồi cũng trong ngày hôm đó, không kịp ăn trưa lại tiếp tục chạy đi làm host cho buổi Mentor meet-up của VietSeeds. Ngày hôm ấy, mình ăn sáng lúc 4:00am để chuẩn bị cho race chạy, rồi sau hơn 16 tiếng, trải qua 1 haft marathon và 2 event quan trọng mới có được bữa ăn thứ hai trong ngày. Ngay sáng sớm hôm sau lại bay về Sài Gòn và đi thẳng đến chỗ làm từ sân bay để đi làm bình thường.

Lần chạy giải trail gần 25km tháng 3 vừa rồi trên Đà Lạt, một tuần trước khi chạy mỗi người team mình xoay sở với cả trăm ca Individual Interviews. Một ngày trước khi chạy, trong khi mọi người đi cùng tranh thủ đi thư giãn để load carb thì mình bám dính ở khách sạn, ôm laptop để phỏng vấn những ca cuối cùng.

Rồi mọi chuyện cũng qua, mình đã rất thoải mái chạy xuyên qua phố cổ, cầu Long Biên, hồ Tây trong thời tiết mùa thu Hà Nội hay chạy giữa rừng thông Đà Lạt, và không hối hận khi phải lê lết những con đồi trọc nắng gay gắt, hoàn thành mục tiêu chạy trail dưới 5 tiếng và không dính chấn thương. Chạy bộ với mình chưa bao giờ là cuộc đua cho những personal records – thành tích cá nhân hay để sưu tầm medal. Mình đăng ký các giải chạy để có được những mục tiêu rõ ràng. Là cách mà mình giữ cho bản thân vận động, rèn luyện sự bền bỉ cho thể xác và tinh thần. Như mới vừa xong thôi, chạy xe hơn 10km từ trường về nhà, tắc đường kẹt xe làm đầu mình ong ong, vậy mà chỉ sau 5km chạy nhẹ nhàng là đầu mình cũng được thư giãn hẳn.

Cuối tuần này mình mới được chỉ định đi công tác ở Campuchia để back-up cho sếp vì sếp đã lỡ đăng ký giải chạy Quy Nhơn cuối tuần này cùng với gia đình. Mình có đà để chớp luôn cơ hội nhắn nhủ với sếp là mình sẽ lấy annual leave để tháng 11 này chạy giải Standart Chartered. Sếp đương nhiên không thể từ chối lý do này rồi 🙂

Hi vọng mình sẽ đủ khéo léo để sắp xếp trong 6 tháng tới. Bên cạnh chạy bộ, xen kẽ sẽ vẫn là những quyển sách và chuyến đi cá nhân: đi Nhật (cuối tháng 6), đi Hà Nội (đầu tháng 7), đi Quy Nhơn (giữa tháng 7) và mình đang chờ kết quả của chuyến đi Malaysia (tháng 8) và có thể sẽ đi Đà Nẵng (cuối tháng 10). Và đó là chưa hề có lịch công tác.

Well, I guess the second half of 2019 is gonna be thrilling and yet exciting.

Tittle đặt theo bài hát Half the world away – bản cover mà mình rất thích của Aurora.

I would like to leave this city

This old town don’t smell too pretty

and I can feel the warning signs running around my mind

And when I leave this island I’ll book myself into a soul asylum

‘Cause I can feel the warning signs running around my mind

 

Stay grand for one more minute

Đường về nhà hôm nay không cần phải gồng tay lái để luồn lách qua những đoạn tắc đường, không phải nơm nớp lo sợ xe tải rồi xe container, cũng không phải nheo mắt ráng nghe podcast này nọ hay mệt mỏi suy nghĩ “Tối nay ăn gì?”. Mình tự cho mình được thư giãn, lái xe chầm chậm, để shuffle play trên spotify để mặc suy nghĩ được miên man đến mọi nơi nó muốn và cũng không cố gắng lôi nó tập trung vào một thứ gì cả.  Những sự kiện hiện tại, những câu chuyện quá khứ và cả lời bài hát nữa, mọi thứ nhẹ bẫng và kết nối.

Có một ý mà cả trong quyển “21 Lessons for the 21st century” mình mới đọc xong và cả bài nói chuyện của Prf. Puett ở trường mình gần đây, cả hai người đều nhấn mạnh một ý mà mình rất nhớ với đại ý là: Trong một thời đại mà mọi thứ biến đổi nhanh hơn tất cả các nền văn minh quá khứ, các giá trị, đạo đức, niềm tin mâu thuẫn không thể phân tách rạch ròi như bây giờ, làm thế nào để chúng ta tiếp tục sống, làm việc và theo đuổi những điều nên làm? Cả hai vị học giả đều gợi ý dù mỗi người có thể tìm đến những phương pháp khác nhau như là Meditation, Psychology, Self observation, Education…thì điểm chung là chúng ta nên học cách quan sát chính mình, phân biệt đâu là sự thật với những câu chuyện. Hay là phân biệt được những hành động vô thức – hành động mà chúng ta chỉ lặp lại thói quen của chính bản thân mình hoặc của người khác.

Đến những tuần gần đây, khi công việc có rất nhiều áp lực về mặt tinh thần, đồng thời mình phải học cách quan sát mọi thứ như chính nó là chứ không phải qua bất cứ bộ lọc chủ quan nào khác thì mình mới nhận ra việc ấy khó như nào. Và cũng đến tận tối nay mình mới thấy việc ấy khó nhưng đó là những cố gắng không vô ích.

Và quan trọng hơn, mình thấy rằng, những người khác cũng đang cố gắng theo một cách nào đó của riêng họ. Chúng ta không thể kì vọng sẽ thay đổi lăng kính của người khác nhanh chóng và càng không thể nào hi vọng có thể thay đổi được ai nếu không phải chính người đó tự nhận thấy điều đó. Và cũng chẳng sự việc gì có thể thay đổi nếu như không có sự cố gắng của hơn 1 người.

Spotify thì chạy đến I don’t want to change you – chưa bao giờ mình nghĩ đây là một bài câu chuyện tình tuyệt vọng đơn phương, đến tận hôm nay để ý lyrics mới thấy đúng là thế thật. Dù giai điệu vẫn day dứt nhưng là một kiểu bướng bỉnh dịu dàng với tâm thế chủ động sẵn sàng đón nhận.

And if you just want to be alone
Well, I can wait without waiting
If you want me to let this go
Well, I’m more than willing-

And I don’t want to change you
I don’t want to change you
I don’t want to change your mind
I just came across a manger
Where there is no the danger
Where love has eyes and is not blind

Mình thật sự đang sống và muốn sống với tâm thế này, tâm thế rằng nếu bản thân hoặc ai đó cần sự đơn độc như là một điều cần thiết trong hành trình của họ, thì mình hoặc ai đó đều có thể nhẫn nại mà không hẳn là chờ đợi. Và mình cũng sẽ không nên áp ý chí chủ quan lên bất cứ một người nào cả.

Mình nhớ đến những người mà mình cũng chẳng hiểu nhân danh cái gì mà tự cho mình cái quyền đòi hỏi sự thay đổi của người ta. Những người mà chỉ đơn giản là cuộc sống của họ và mình, những trải nghiệm và thứ tự ưu tiên trong cuộc sống không tiệm cận ở khoảng thời gian, không gian đó. Mình của những năm 18, 20, 22, 24 tuổi tự đặt kì vọng rồi thất vọng. Hoặc tệ hơn đã chọn né tránh để tự ôm thật nhiều dằn vặt.

Nếu như có thể quay trở lại những thời điểm bên trên, mình của thời điểm này sẽ muốn gửi bài hát này cho bản thân với lời nhắn: “Dù có chuyện gì xảy ra thì hãy nhớ đến sự hữu hạn của Trái đất này với vũ trụ bao la ngoài kia. Chỉ là “Don’t give it up just yet”, đừng từ bỏ với bản thân, đừng từ bỏ với con người”

https://www.youtube.com/watch?v=7LtvplSaSEs

The weight, of a simple human emotion weighs me down, more than the tank ever did. The pain, it’s determined and demanding to ache, but I’m OK….

Don’t give it up just yet

Stay grand for one more minute

Don’t give it up just yet

Stay grand

Thank you 2018!

Dù nỗ lực nhìn lại một năm và ghi lại những đánh giá nhận xét chủ quan về một năm đã qua là một việc không hề dễ dàng nhưng không cần phải bàn cãi gì thêm và cũng rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra đây là một việc nên làm, dù thời điểm viết xuống những dòng này chúng ta đang thất vọng hay khấp khởi hi vọng.

Đọc lại những bài nhìn lại hàng năm của các năm trước, mình biết rằng điều gì cũng có thể thay đổi từ những việc như là mối quan tâm đến những việc cần rất nhiều nỗ lực như là thói quen, suy nghĩ. Vì thế việc ghi lại sẽ là một cái neo để mình không bị cuốn đi những thứ không quan trọng hoặc không cũng biết rằng mình đã trưởng thành hoặc thay đổi như thế nào.

2018 là năm mình chạm mốc 25 tuổi. 2018 là năm của những chuyến đi. 2018 là năm mình bắt đầu đặt những viên gạch vững chắc hơn trên con đường sự nghiệp mà mình muốn theo đuổi.

DỊCH CHUYỂN:

Ngoài những nơi như Hà Nội hay Đà Lạt vẫn trở lại 2-3 lần mỗi năm, đây còn là năm của rất nhiều lần đầu tiên (Lần đầu tiên đặt chân đến khu vực cao nguyên và nhiều địa danh khác)

  • Tháng 3 & Tháng 5 & Tháng 9 & Tháng 10: Trở lại Hà Nội 4 lần cho 4 chuyến công tác khác nhau. Cũng trong tháng 9, cùng nhau ghé qua Sóc Sơn với những người mà mình yêu quý nhất.
  • Tháng 4: Đi Đà Lạt với những con người mang trong mình rất nhiều ý tưởng và dự định lớn lao. Trải nghiệm hiking giữa đồi chè rộng lớn ở Cầu Đất Farm, ngắm hoàng hôn ở Hồ Tuyền Lâm là một trải nghiệm rất thú vị.
  • Tháng 6 đặt chân đến Buhtan trong một chuyến đi chỉ quyết định trước đó 7 ngày. Một cơ hội đi đến một đất nước mà mình luôn mơ về với chi phí không thể tốt hơn. Lại một cơ hội đến từ nhân duyên #SaveSonDoong.
  • Tháng 10 – Tháng 11: Đi công tác ở một loạt các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên: Vĩnh Long, An Giang, Mỹ Tho, Cần Thơ, Bến Tre, Gia Lai, Kon Tum, Dak Lak. Lần đầu tiên ghé thăm Măng Đen (nơi được mệnh danh là Đà Lạt thứ hai), tranh thủ ngủ lại rừng Quốc gia Yok Don, trekking trong rừng sộp và gặp những chú voi thuần chủng.
  • Tháng 12: Những ngày cuối năm trú ẩn yên bình, thong thả ở Andante Đà Lạt.

SỰ NGHIỆP: 

Dù đã xác định sẽ bước đi trên con đường Giáo dục này nhưng chắc phải đến năm nay mình mới mường tượng rõ hơn về điểm mạnh của bản thân cũng như con đường mình sẽ đi và xây dựng (thiên về mảng human assessment, strategic orgazational development, admissions…) Ngày quyết định đi sâu làm công việc Admissions of higher education mình đã viết những dòng này:

“To remember it’s just another temporary station in this temporary life. The road might be less foggy, but still have up and down. The toughest mountain is still in the middle of nowhere. When there is a will, there is a way, glad that I still have a will to explore new limitations of myself then utimately follow my inner call of doing-good-better.”  

Bên cạnh đó, mình cam kết sẽ dành thời gian chất lượng cho tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục mà mình đã may mắn trở thành một phần của gia đình ấy từ năm 2016. Mình cam kết sẽ đem những điều mình học được và những điều mình tin tưởng để đóng góp, đồng thời học cách dung hòa cái tôi và sự hiếu thắng của tuổi trẻ. Mình hiểu rằng đây cũng là cơ hội để mình được học và được thử thách bản thân, không chỉ đơn giản là mình đang cho đi.

#SaveSonDoong là gia đình, vì thế sẽ luôn dành thời gian cho gia đình.

Cũng trong năm vừa qua, dù không thực sự viết nhiều trên blog hay các social platform khác nhưng mình đã nghiêm túc hơn trong việc viết lách. Bài viết Tại Sao Không Nên Đi Tình Nguyện Mùa Hè Xanh và Không Chuyển Tiền Cho Phan Anh – bài viết mình quyết định đăng tải trên trang Spiderum đạt hơn 89,000 lượt xem tính đến thời điểm mình viết những dòng này. (Là bài viết nổi bật nhất tháng trên platform có hơn 10,000 active users này) Bài viết số 2 Có Cần Phải Trở Thành Tỉ Phú Để Làm Nên Những Điều Lớn Lao khiêm tốn hơn chỉ đạt được hơn 800 lượt xem.

Những bài viết này đa số giúp mình mài dũa khả năng tổng hợp thông tin và những kiến thức mình đọc được từ những quyển sách. Mình luôn biết là mình có khả năng viết nhưng chưa bao giờ nghiêm túc với nó, và quả thật khi bắt tay viết nghiêm túc mình mất rất nhiều thời gian để biên tập lại. Dù luôn biết rằng đây là cách hiệu quả nhất để bắt bộ não tư duy nhưng phải đến năm ngoái mình mới thực sự tìm kiếm những chủ đề không cá nhân để khai thác và có thể publish trên những trang chia sẻ hơn là giấu kín ở những nơi riêng tư. Thế nên 2019 bất cứ khi nào có ý tưởng cho những bài viết mới, mình sẽ cố gắng ghi xuống và tìm chất liệu để theo đuổi.

SỰ HỌC: 

Ngoài khoảng thời gian tự học luyện thi IELTS ra thì đây có lẽ là mục mà mình cảm thấy không hài lòng nhất trong năm vừa qua, khi mà mình vẫn không đăng ký thêm bất cứ khóa học nào mới hay hoàn thiện những course học đã đăng ký trước đó và bỏ dở. Sự học thì cả đời nhưng có lẽ cũng là thứ mà người ta sẽ trì hoãn đầu tiên khi quỹ thời gian thì chỉ có nhiêu thế và kỹ năng quản lý thời gian thì vẫn rất trồi sụt. Bên cạnh một To-do Read thì năm nay mình sẽ có thêm một To-do learn để có những mục tiêu rõ ràng và quyết tâm thực hiện công việc cả đời này. Cả 2 danh sách này đương nhiên sẽ hỗ trợ và bổ sung cho sự nghiệp mà mình đang theo đuổi cũng như phát triển bản thân và tinh thần khỏe mạnh, tích cực.

NHỮNG MỐI QUAN HỆ CHẤT LƯỢNG

Resolution năm ngoái có câu này và mình nghĩ cũng không cần phải thay đổi hay bổ sung gì: “Keep in touch and always be there for the ones truly matter to me” – 2018 mình cám ơn vì gia đình và bạn bè khỏe mạnh. 2019 mình không mong gì hơn như thế. Instagram của mình lúc nào cũng chỉ có 50 người followers, chẳng phải mình khó tính gì, vì mình chưa bao giờ giỏi trong việc duy trì những mối quan hệ nên mình sẽ tập trung năng lượng và thời gian cho những mối quan hệ quan trọng nhất mà thôi. Với những người mà mình tôn trọng và không hiện hữu thường nhật, mình sẽ cố gắng viết mail để gửi đi những thông điệp chân thành nhất.

Điều cuối cùng, có một thứ mà mình biết những năm qua mình đã luôn “taking for granted” là sức khỏe của bản thân. Cám ơn bố mẹ vì đã sinh ra và nuôi lớn mình khỏe mạnh và rất hiếm khi ốm bệnh liểng xiểng. Năm 2018, mình đã cố gắng duy trì việc chạy thỉnh thoảng, chỉ tham gia những giải chạy nhỏ với mục tiêu khiêm tốn vừa phải để giữ cho cơ thể được vận động. May mắn năm 2018, hình như mình không trải qua một ngày bệnh nặng nào cả. 2019 mình sẽ trở lại với những mục tiêu cụ thể và nghiêm túc hơn, cụ thể là chặng đường 21km ở Đà Lạt vào tháng 3 tới và rất có thể là 1 giải Full marathon nữa vào tháng 10.

Mình cũng nhận thấy những ngày mình làm việc hiệu quả là những ngày mình chủ động ghi xuống những việc cần làm trên giấy, đồng thời được truyền cảm hứng từ post gần nhất của chị Nguyễn Phương Mai, mình sẽ chuẩn bị 1 quyển sách notebook để hăm hở bước sang 2019 nhé.

CÁM ƠN 2018 VÀ XIN CHÀO 2019 VỚI RẤT NHIỀU HÂN HOAN VÀ SỰ KHIÊM NHƯỜNG.